15 thg 11, 2013

Trồng và chăm sóc Lan huệ

Một mùa hoa lan huệ nữa lại sắp bắt đầu.... Vậy là tình yêu của mình đối với lan huệ đã bước sang mùa thứ 3... hihi... Tình còn son hen!
Mùa đầu tiên, mình mới làm quen với huệ. Gia tài có 4 củ huệ đỏ đào từ nhà ba chồng đem về, cộng thêm 2 củ mua từ Hà Lan, sau đó lại bổ sung thêm 2 củ mua từ Mỹ.
- Củ huệ đỏ ba chồng trồng trong đất, chôn sâu ngập hết củ, lúc đào lên cái cổ nó (phần thuôn nối giữa củ đến lá) dài ơi là dài.
- 2 củ huệ Hà Lan bự ơi là bự, có 1 bạn size XXL, là mother bulb hay jumbo gì đó.
- 2 củ huệ Mỹ bé tí teo, nhỏ hơn cả củ huệ đỏ VN, nhưng hoa thì không hề nhỏ.
Sau đó, nhờ "quan hệ rộng" :-))) mình được bạn bè khắp nơi bổ sung vào gia tài huệ nào là Tuyết Thanh, Hồng Đào, Cẩm Hồng, Hùng Vương...
Lúc này mình loay hoay trồng đủ kiểu, lúc trồng chậu bón phân Dynamic litfer, lúc trồng ra đất bón phân bò. Kết quả là thất bại thảm hại với những củ huệ "vô phước" bị mình cho ra đất. Lớp nào bị sùng ăn mất rễ, lớp nào cỏ chụp, lớp nào mưa ngập... mình thiệt hại nặng. Mớ củ huệ này đa số đều là củ trưởng thành nhưng cuối cùng không củ nào nở nổi 1 bông hoa ở mùa thứ 2. Giờ mình vẫn còn cho chúng nó nghỉ dưỡng.

Mùa huệ thứ 2, gia tài của mình được bổ sung một nguồn khá lớn từ Đài Loan, Hà Lan và Mỹ. Sau khi ngắm hoa no nê, mình bắt đầu tìm hiểu cách để nuôi dưỡng "gia tài" của mình một cách tốt nhất. Có mấy thứ cần phải tìm hiểu:
- Chất trồng
- Trồng ngập củ hay ló củ
- Chế độ phân bón như thế nào
- Nước nôi, nắng gió ra sao
- Trồng chung nhiều củ vào 1 chậu to hay mỗi củ 1 chậu nhỏ

Sau một mùa thử nghiệm, tháng 10 năm nay mình đã có một lứa huệ tạm gọi là thành công với những củ to, chắc, nặng và phần lớn đều nhú 2-3 vòi nụ.
Có một điều mình là "tay mơ", dân chơi miệt vườn chứ hổng phải "chuyên gia nghiên cứu khoa học", cho nên mình hổng biết huệ của mình "ngon" nhờ công đoạn nào :-))))
Vì vậy hôm nay mình ghi lại hết những gì mình đã làm cho các tình yêu lan huệ của mình trong năm vừa rồi để nhớ và từ nay về sau làm y chang vậy cho khỏe, khỏi mất công suy nghĩ nhiều :-))
1- Trồng
Chuẩn bị các thứ sẵn sàng trước khi tiến hành trồng :
- Củ huệ: củ huệ trong bài này của mình là củ huệ đã trưởng thành, vừa mua từ nước ngoài về hoặc qua quá trình tự xử lý.
 Đây là củ mình vừa lột sơ lớp vỏ khô bên ngoài (nhìn cho sạch sẽ)

Sau đó là cắt bỏ hết rễ. Vì những chiếc rễ cũ này khi trồng xuống sẽ bị úng chết nên mình cắt bỏ cho rễ mới dễ mọc ra. Củ nào có đế dày thì gọt luôn phần đế

 - Chất trồng: bao gồm trấu + perlite + phân trùn quế mình trộn theo tỷ lệ 2-1-1
Ngoài ra, trong mỗi chậu chất trồng (dùng cho 1 củ huệ) mình trộn thêm 1 vốc tay phân hữu cơ chậm tan dynamic lifer.


Trấu và perlite đều khó ngấm nước trong lần tưới đầu tiên. Do đó, mình ngâm trấu và perlite trong nước 1 đêm, rồi mới lấy ra trộn phần trùn và DL vào.
Cả trấu và perlite đều rất nhẹ, khi thả vào nước đều nổi phều. Vì vậy để ngâm cho nó dễ ngấm nước, mình cho mỗi thứ vào 1 bao nhỏ (loại đựng gạo 5kg), thả cả bao vô thau nước rồi dùng vật nặng đè lên. Sáng ra bao nào cũng nặng trịch. Đổ ra, trộn đều các thứ vào với nhau, để cho ráo nước rồi mới trồng củ huệ vào.

Loại chất trồng này có đặc điểm là xốp, nhẹ nhưng rất giàu hữu cơ (vì mình nghe nói trùn quế người ta nuôi bằng phân heo). Khi tưới thì nước chảy vèo ra hết ngay, không lo bị úng. Mà mỗi lần muốn di dời chậu cây đi đâu cũng khỏe vì nhẹ tênh.
- Chậu trồng:
Mình chọn loại chậu có dáng thuôn, hơi loe phần miệng để sau này nhổ củ huệ ra được dễ dàng. Kích thước chậu khoảng từ 18-20cm, sao cho củ huệ trồng vào giữa chậu thì khoảng trống còn lại từ củ huệ đến thành chậu còn khoảng 3-5cm là vừa.

Mình cho chất trồng vào khoảng 2/3 chậu, dùng tay ém hơi hơi chặt chất trồng xuống, đặt củ huệ vào giữa và ấn nhẹ xuống.
Sau này khi củ huệ ổn rồi mình sẽ cho thêm chất trồng vào chậu để lấp khoảng 1/2 - 2/3 củ huệ. Sở dĩ vừa trồng mình chưa lấp ngay là vì mình muốn quan sát củ huệ dễ dàng, kịp thời phát hiện bất thường để can thiệp sớm. Với lại mình khoái nhìn cái củ trắng trẻo mũm mĩm :-))
Lúc này, mình để các chậu huệ trong hiên nhà, có nắng xiên buổi sáng và tràn ngập ánh sáng. Tránh nắng trực tiếp rọi vào.
Mình để ý, nếu thiếu sáng màu hoa sẽ nhợt nhạt hẳn. Còn nếu nắng chiếu trực tiếp vào hoa sẽ mau tàn.
2- Chăm sóc:
- Tưới nước:
Sau khi trồng thì khoảng 1 tuần sau mình sẽ tưới nước lại 1 lần. Giai đoạn này mình tưới rất ít, chủ yếu giữ ẩm chất trồng, vì củ chưa có rễ, chưa hút được nước.
Khi tưới, mình hết sức cẩn thận, phun thật nhẹ nước lên lớp chất trồng xung quanh củ huệ, tránh hết sức việc nước rơi vào cổ củ (sợ bị úng).
Cách tưới an toàn nhất là châm nước vào dĩa lót phía dưới, cho chất trồng tự ngấm nước ngược lên.
Khi nào thấy lá xuất hiện, nhấc thử củ huệ lên thấy nặng nặng tay có nghĩa là củ huệ đã ra rễ. Lúc này mình sẽ tưới mỗi ngày.

Với loại chất trồng cực kỳ tơi xốp này, bạn không lo dư nước trong chậu đâu, tưới vào sẽ chảy ra hết ngay. Nhưng hạt perlite lại ngấm nước, giữ ẩm cho đất rất tốt.
Khi cây đã khỏe mạnh cứng cáp, cho ra ngoài nắng rồi mình cũng chỉ tưới mỗi ngày một lần nếu trời nắng. Nhưng khi tưới mình sẽ tưới thật kỹ, xịt vòi phun vào gốc củ huệ thật kỹ cho chất trồng có thời gian ngấm đủ nước. Sau đó làm "mưa rào" trên lá để rửa sạch bụi bẩn, giúp cây hít thở.
Hôm nào mưa to thì mình ngưng tưới 2 ngày. Mưa cả tuần, 10 bữa thì khỏi tưới luôn, mà cũng không phải lo bưng bê đi núp.
- Bón phân:
Trong chất trồng đã có phân hữu cơ chậm tan, nhưng mình vẫn bổ sung thêm phân NPK cho cây qua các giai đoạn phát triển.
Khi cây đã nhú nụ và lá (thông thường cây nhú lá nghĩa là đã có rễ - mình kiểm tra bằng cách nhấc nhẹ củ huệ, nếu trì nặng thì có rễ, ngược lại nhấc lên luôn chả có cọng rễ nào).
Như củ này là đã có rễ nè

Còn mớ này, dù nụ cao, hoa nở tung tóe vẫn không có cọng rễ nào

Củ La Paz 3 vòi bông kia không có cọng rễ nào đâu, nên lúc nở cả 3 vòi nó té chỏng gọng :-))

Mình để ý rồi nha, củ huệ mua ở nước ngoài về trồng xuống, trổ bông xong xuôi rồi nó mới ra rễ, ra lá. Còn củ huệ mà mình tự xử lý ở nhà thì trồng xuống vài ngày là có rễ, ra lá, rồi mới nhú nụ.
Quay lại chuyện bón phân. Ngay khi kiểm tra thấy củ đã có rễ, lá, nụ đầy đủ mình bón cho nó loại có hàm lượng P cao (NPK 10-50-10). Pha thật loãng (khoảng 1/4 theo công thức hướng dẫn trên bao bì) tưới vào gốc mỗi tuần 1 lần. Mục đích dưỡng hoa.
Nếu củ huệ chưa có rễ thì khỏi tưới phân trong giai đoạn này, vì tưới xong nó cũng chả hưởng được gì. Và cũng vì chưa ra rễ, không ăn uống được gì mà lại rút hết "máu thịt" ra trổ bông nên từ một con mẹ béo ú căng tròn, sau kỳ khai hoa nở nhụy thì thành con mẹ hom hem, teo tóp như vầy

Đã vậy mà chủ nhân của ẻm còn ác dzã man, bắt ép ẻm lấy chồng, rồi bầu bí nữa chứ :-))

Xót ruột quá thì cắt cành cắm lọ cho củ đỡ hom hem.

Hoa tàn, nếu không thụ phấn thì mình ngắt bỏ hoa. Mình chỉ ngắt bỏ hoa thôi, để cái cuống lại cho nó tự teo như vầy

Lý do là vì, cuống hoa là cầu nối dẫn dinh dưỡng từ dưới củ lên nuôi hoa. Khi hoa tàn, chất dinh dưỡng vẫn còn trong cuống, mình ngắt hoa thì dình dưỡng sẽ đổ ngược xuống nuôi củ.
Lý do nữa là, cái cuống rỗng ruột, nếu cắt thì sẽ tạo ra 1 cái lổ có khả năng làm nước rơi vào đó - lại sợ úng củ :-)
Lan man quá đà. Quay lại vấn đề bón phân tiếp.
Khi hoa tàn, cây làm xong nhiệm vụ nuôi quả, lá đã lên cao mình đưa hết ra nắng. Đây là khu vực trồng huệ của mình. Nắng từ sáng sớm cho đến khoảng 2h chiều. Nắng giúp củ tổng hợp chất dinh dưỡng.
Khoảng tháng 3 mình bón NPK cân bằng (20-20-20) để dưỡng cây. Cũng pha loãng và tưới gốc, mỗi tháng 1 lần, song song với phân hữu cơ chậm tan DL.

Cây lan huệ khi ở ngoài nắng gió, lá sẽ cứng cáp khỏe mạnh, còn khi ở nơi thiếu nắng lá phát triển khá tốt, xanh mướt và dài thượt nhưng lại yếu ớt, dễ gãy đổ.
Cây này, lá cao hơn 1m... đầy đủ nắng gió nên đứng rất hùng dũng hiên ngang

Còn cây này, lá cũng cao cỡ 1m, đứng ở dưới mái che, nắng xiên được vài tiếng một ngày, lá phải được buộc túm, nếu không thì cứ ngã rạp.

Vào khoảng tháng 6, khi cây lan huệ ở vào giai đoạn sung mãn nhất, mình bắt đầu bón NPK hàm lượng ni tơ thấp (0-10-10) để kích thích cây tạo mầm hoa.

Cũng vẫn pha loãng, tưới gốc, phun nhẹ trên lá, song song với việc mỗi tháng quăng vào mỗi chậu một vốc tay phân hữu cơ chậm tan.
Ngoài ra, mỗi khi pha phân cá tưới huệ con, mình khuyến mãi luôn cho các chậu huệ trưởng thành mỗi chậu một gáo. Không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc :-))

3- Xử lý cho huệ trổ bông
Ở miền Nam không có mùa đông giá lạnh, cây huệ rất khó trổ bông nếu không có sự tác động. Thời điểm mình muốn huệ trổ bông là từ khoảng noel, tết tây cho đến tết âm lịch là kết thúc. Tức là thời điểm mát mẻ nhất trong năm. Sau tết thời tiết trở nên nóng bức, hoa không được đẹp và lại mau tàn.
Quá trình xử lý qua các bước như sau:
- Nhổ huệ lên giũ sạch đất, cắt bỏ rễ, xịt nước rửa sạch
- Cắt lá
- Treo củ hong khô chỗ mát

Nếu chỉ có vài củ thì còn treo, chứ nhiều quá thì treo không xuể. Mình phơi luôn như vầy.

Chú ý khi hong thì để cho phần cổ củ huệ chúc xuống cho nước trong các bẹ lá chảy ra hết.
Thời gian hong là 1 tuần.
- Bước tiếp theo là gói từng củ vào giấy báo và cho vào ngăn rau tủ lạnh nghỉ mát 8 tuần. Sau đó lấy ra, vệ sinh và trồng lại theo chu trình từ đầu bài viết này.
Nếu không muốn cho củ huệ nghỉ mát trong tủ lạnh, thì mình cứ để củ huệ chỗ khô mát ở góc nhà như vậy khoảng 4-6 tuần rồi trồng lại. Cách này huệ cũng sẽ trổ bông, nhưng khó tính thời gian nở bông hơn cách chuẩn là cho nghỉ mát trong tủ lạnh.
Thời gian từ lúc nhổ huệ đến lúc trổ bông là khoảng 14 tuần.

Xong rồi, giờ thì ngồi chờ hưởng thụ thành quả lao động thôi.